12/08/2019
Lượt xem: 1145
Hội thảo “Tài nguyên đất đai - Tiềm năng và phát triển”
Nhằm phổ biến các kết quả nghiên cứu
khoa học và phát triển công nghệ liên quan đến việc quản lý, sử dụng bền vững
tài nguyên đất đai trong phát triển nông nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp
nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong
điều kiện biến đổi khí hậu; sáng ngày 09/8/2019, Tại Trung tâm Học liệu, Trường
Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Tài nguyên đất đai - Tiềm năng và phát triển”.
Dự Hội thảo có các công chức, viên chức công tác trong ngành tài nguyên và môi
trường, khoa học và công nghệ; các viện, trường, doanh nghiệp ở Đồng bằng sông
Cửu Long và một số tỉnh ở vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên; các sinh viên, học
viên, nghiên cứu sinh của Trường Đại học Cần Thơ.
Đất đai là một vùng đất có ranh giới, vị trí, diện tích cụ thể
và có các thuộc tính tương đối ổn định hoặc thay đổi nhưng có tính chu kỳ, có
thể dự đoán được, có ảnh hưởng tới việc sử dụng đất trong hiện tại và tương lai
của các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội như: thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, địa
mạo, địa chất, thuỷ văn, thực vật, động vật cư trú và hoạt động sản xuất của
con người (Khoản 2, Điều 4, Quy định kỹ
thuật điều tra thoái hóa đất được ban hành kèm theo Thông tư số
14/2012/TT-BTNMT, ngày 26/11/2012 của
Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành quy định kỹ thuật điều tra thoái hóa đất).
Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện
nay, đã tạo ra những thách thức không nhỏ đối với nguồn tài nguyên, đặc biệt
nguồn tài nguyên đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt và là điều kiện cần thiết
cho mọi hoạt động sản xuất và đời sống. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp như: Mức độ thâm canh hóa, sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo
vệ thực vật,…; diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là biến đổi khí hậu
đã và đang tác động tiêu cực đến chất lượng của đất, làm thay đổi đặc tính lý
hóa của đất, do vậy vấn đề quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên đất đai ngày càng
trở nên quan trọng.
Hội thảo với phiên toàn thể và 05 Tiểu ban chủ đề, qua đó, các đại biểu đã được nghe các nhà khoa học, nhà quản lý thông tin
về công tác quản lý tài nguyên đất đai; hiện trạng, định hướng phát triển ngành
tài nguyên và môi trường; các kết quả nghiên cứu liên quan đến việc ứng dụng
công nghệ thông tin, GIS, ảnh Viễn thám,.. trong quản lý, sử dụng đất nông lâm
nghiệp; tài nguyên, tiềm năng đất đai; quy hoạch, sử dụng đất đai và đô thị;
chính sách quản lý đất đai; quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường vùng Đồng
bằng sông Cửu Long. Đồng thời, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về các kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh
nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, quản lý tài nguyên
đất đai và môi trường. Qua đó, giúp công tác quản lý, nghiên cứu, ứng dụng công
nghệ trong khai thác, quản lý tài nguyên đất đai, tài nguyên và môi trường trong
thời gian tới ngày càng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng
bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017
của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với
biến đổi khí hậu.
Theo GS. TS.
Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, để phát huy hiệu quả sử dụng
tài nguyên đất đai, ngoài việc bảo vệ quỹ đất của quốc gia, chúng ta cần phải quản
lý việc sử dụng đất đai hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đại, vừa đảm bảo
lợi ích trước mắt, vừa tạo điều kiện cho việc sử dụng đất đai lâu dài gắn với
việc tăng cường bảo vệ môi trường đất. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các
nhà quản lý chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong công tác quản lý, đào đạo nguồn
nhân lực trong lĩnh vực đất đai, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đặc
biệt là ứng dụng các thành tựu của cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư trong
quản lý đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên đất
đai, phục vụ cho công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo cho việc phát
triển bền vững đất nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, trước
tình trạng thay đổi cơ cấu, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển vùng và
đô thị, sự suy thoái tài nguyên đất đai, sự gia tăng của thiên tai, tác động tiêu
cực của biến đổi khí hậu.
Lâm Văn Tùng